Gợi ý 9 cách nấu lẩu cá ngon ngọt, không tanh, chuẩn vị ngay tại nhà
Lẩu cá không chỉ là món ăn quen thuộc trong các bữa tiệc của người Việt Nam mà còn là lựa chọn lý tưởng cho những ngày đông se lạnh. Nếu bạn phân vân chưa biết hôm nay ăn gì, hãy cùng AEONESHOP khám phá ngay 9 cách nấu lẩu cá tại nhà chuẩn vị, chinh phục mọi thực khách thông qua bài viết sau đây nhé!
MỤC LỤC BÀI VIẾT 4. Cách nấu lẩu cá mú măng chua 5. Cách nấu lẩu cá đuối lá giang |
Cách nấu lẩu cá tầm
Lẩu cá tầm là một món ăn hấp dẫn, mang đến trải nghiệm ẩm thực đầy thú vị. Không chỉ thơm ngon, món lẩu này còn bổ dưỡng nhờ vào sự kết hợp hoàn hảo của các nguyên liệu tươi ngon. Đặc biệt, cách làm lẩu cá tầm cũng vô cùng đơn giản.
Nguyên liệu nấu lẩu cá tầm
-
Cá tầm: 1 con (khoảng 1 kg)
-
Thơm (dứa): 1 quả
-
Cà chua: 4 quả
-
Hành lá: 2 nhánh
-
Rau ngổ: 1 ít
-
Riềng: 1/2 nhánh
-
Sả: 2 nhánh
-
Ớt sừng: 1 quả
-
Hành tím: 1 củ
-
Tỏi: 2 tép
-
Bún tươi: 1 ít
-
Gia vị lẩu Thái: 1 gói
-
Nước tắc
Các bước chế biến
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
-
Cá tầm: Nhúng qua nước sôi, cạo sạch nhớt, bỏ ruột và mang cá. Lưu ý rằng, bạn hãy moi ruột cá thật nhẹ để tránh làm vỡ mật. Sau đó cắt cá thành khoanh mỏng. Để cá không tanh, bạn có thể xát cá với muối, giấm táo hoặc rượu trắng trong 5-10 phút trước khi xả lại với nước sạch.
-
Rửa sạch cà chua, bổ múi cau.
-
Nhặt gốc và lá úa của rau ngổ, hành lá và các loại rau ăn kèm, rửa thật sạch để thái khúc.
-
Bóc vỏ hành tím, tỏi, cắt thành lát mỏng.
-
Cắt đầu ớt sừng, rửa sạch, cắt đôi thành 2 nửa: 1 nửa cắt lát, 1 nửa để nguyên.
-
Rửa sạch riềng, cạo hết vỏ, băm nhỏ.
-
Bóc bỏ phần bẹ già của sả, băm nhỏ.
-
Gọt vỏ thơm, cắt mắt, bỏ đi phần lõi, cắt thịt thơm thành lát mỏng.
-
Cho vài lát thơm, cà chua, 1 nửa quả ớt, riềng và sả vào máy xay sinh tố xay nhuyễn.
Những nguyên liệu nấu lẩu cá tầm (Nguồn: Sưu tầm)
Bước 2: Nấu lẩu
-
Đầu tiên, hãy đặt nồi lên bếp, bật lửa ở mức trung bình rồi cho vào 2 muỗng canh dầu ăn. Chờ cho dầu nóng lên, sau đó phi thơm hành tím, tỏi, sả, riềng.
-
Thêm cà chua, thơm cùng với 1,8 lít nước vào nồi để đun sôi. Khi nước đã sôi, cho cá tầm vào và tăng lửa để nước sôi trở lại.
-
Nêm 1 gói gia vị lẩu Thái, 2 muỗng canh đường, 2 muỗng canh tương cà, 5 muỗng canh nước tắc, 1 muỗng cà phê hạt nêm, 1/2 muỗng canh nước mắm và 1/2 muỗng canh muối vào hỗn hợp nước lẩu đang sôi.
-
Khi nước lẩu sôi, nêm nếm lần cuối cho vừa khẩu vị, sau đó cho thêm rau ngổ, hành lá và ớt cắt lát vào.
Bước 3: Thành phẩm
Kết hợp với bún tươi hoặc mì tôm, nấm kim châm, nấm hương tươi,... để kích thích vị giác, khiến bất kỳ ai thưởng thức cũng phải khen ngon.
>> Tham khảo thêm:
Cá tầm có giá trị dinh dưỡng rất cao (Nguồn: Sưu tầm)
Cách nấu lẩu cá diêu hồng
Lẩu cá diêu hồng là món ăn mang đậm bản sắc Nam Bộ với hương vị thơm ngon đặc trưng của cá diêu hồng tươi kèm theo chút cay nồng từ ớt. Khi thưởng thức, bạn sẽ cảm nhận được mùi vị đặc biệt tạo nên một trải nghiệm ẩm thực khó quên từ món ăn này. Dưới đây là cách nấu lẩu cá diêu hồng chua cay đậm vị bạn đọc có thể tham khảo.
Nguyên liệu nấu lẩu cá diêu hồng
-
Cá diêu hồng: 1 con khoảng 1.5 kg
-
Bạc hà: 1 cây
-
Bún tươi: theo sức ăn gia đình
-
Rau muống: 300 gr
-
Rau nhút: 300 gr
-
Sả: 4 cây
-
Tỏi băm: 2 thìa cà phê
-
Ớt: 3 trái
-
Tắc chín: 5 trái
-
Cà chua: 2 trái
-
Gừng: 50 gr
-
Thơm: 1/2 trái
-
Rau ngổ: 20 gr
-
Ngò gai: 50 gr
-
Sa tế: 1 hộp (cỡ nhỏ)
-
Gia vị cần thiết: Đường, muối, nước mắm, dầu ăn, hạt nêm...
Các bước chế biến
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
-
Lấy một nửa nhánh gừng rửa sạch, cạo vỏ và cắt thành lát mỏng.
-
Làm sạch cá diêu hồng, sau đó dùng 1 thìa canh muối và gừng cắt lát chà xát đều lên mình cá khoảng 5 phút rồi rửa lại bằng nước để khử mùi tanh. Tiếp theo, cắt cá thành 3-4 khúc tùy theo kích thước của cá.
-
Gọt vỏ thơm, bỏ mắt, cắt nhỏ.
-
Cà chua rửa sạch, cắt múi cau.
-
Quả tắc cắt làm đôi.
-
Sả đập dập, cắt khúc bằng ngón tay cái còn tỏi, hành tím bóc vỏ băm nhuyễn cùng nửa nhánh gừng còn lại.
-
Rửa sạch rau ngổ và ngò gai, sau đó cắt thành khúc dài khoảng 1 cm.
-
Bạc hà: Lột vỏ, rửa sạch, cắt thành từng miếng mỏng.
-
Rau muống và rau nhút ngắt thành khúc vừa ăn, ngâm trong nước muối loãng khoảng 10 phút, sau đó rửa lại với nước sạch và để ráo.
Bước 2: Ướp cá
Đầu tiên, bạn cần đặt nồi lên bếp và đun nóng 1 muỗng canh dầu ăn, sau đó cho một nửa lượng tỏi băm vào phi thơm. Khi tỏi đã vàng, vớt ra chén, chia thành hai phần: một phần dùng để ướp cá, phần còn lại để riêng.
Cá đã cắt khúc đem ướp cùng tỏi phi, 2 thìa cà phê hạt nêm, 1 thìa cà phê đường và 1 trái ớt cắt lát trong khoảng 10 phút để thấm gia vị.
Bước 3: Tiến hành nấu lẩu
-
Bắc chảo dầu và tiến hành phi hết phần tỏi băm còn lại cùng hành tím băm và gừng băm đến khi dậy mùi thơm.
-
Tiếp đó, thêm sả vào đảo đều, chờ đến khi có mùi thơm rồi thêm thơm và cà chua vào xào khoảng 2 phút. Tiếp tục đổ 1 lít nước vào đun sôi. Lưu ý rằng, trong khi chờ nước sôi, có thể vắt lấy nước cốt tắc, đồng thời loại bỏ hạt.
-
Khi nước sôi, thêm 2 muỗng canh đường, 1 muỗng canh hạt nêm, 1 thìa cà phê muối và 2 muỗng canh sa tế vào nồi, khuấy đều. Tiếp tục đổ nước cốt tắc vào nồi và khuấy lại lần nữa.
-
Khi nước sôi lại, cho cá vào nồi, đun thêm khoảng 5 phút.
Công thức chế biến lẩu cá diêu hồng (Nguồn: Sưu tầm)
Bước 4: Thưởng thức thành phẩm
Sau khi hoàn thành, thêm rau ngổ, ngò gai và phần tỏi phi còn lại vào để tăng hương vị. Khi thưởng thức, nhúng rau nhút, rau muống, bạc hà,... vào nồi lẩu, kết hợp ăn kèm với bún tươi. Bạn có thể chấm cá cùng nước mắm ớt để món ăn thêm đậm đà.
>> Khám phá thêm:
Lẩu cá diêu hồng kết hợp vị béo ngậy từ cá và gia vị tạo độ chua ngọt hài hòa khó cưỡng (Nguồn: Sưu tầm)
Cách nấu lẩu cá chép
Lẩu cá chép nóng hổi, thơm ngon, đầy bổ dưỡng sẽ là lựa chọn tuyệt vời để đổi vị cho bữa ăn cuối tuần của gia đình. Hãy cùng vào bếp chế biến món lẩu này theo công thức đơn giản sau đây.
Nguyên liệu nấu lẩu cá chép
-
Cá chép giòn: 1 con 2 - 2,5kg (Cá chép giòn khi nhúng lẩu sẽ không bị teo lại nhiều mà vẫn giữ được độ giòn ngọt, dai hơn cá chép thường)
-
Xương ống heo: 500g
-
Cà chua: 4 quả
-
Thơm: 1 quả
-
Hành tím: 10g
-
Tỏi: 10g
-
Gừng: 10g
-
Rau thì là: 10g
-
Mẻ: 50g
-
Rau ăn kèm: 100g (bắp chuối, rau muống, rau cần...)
-
Bún tươi: 2kg
Các bước chế biến
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
-
Xương ống heo: Rửa sạch, chần sơ qua nước sôi để loại bỏ cặn bẩn, sau đó vớt ra và rửa lại lần nữa cho sạch hoàn toàn.
-
Dứa (thơm): Gọt vỏ, bỏ mắt, thái lát mỏng.
-
Cà chua: Cắt múi cau
-
Thì là: Sau khi rửa sạch thì cắt từng khúc để bỏ vào ở bước cuối
-
Gừng, hành tím và tỏi: Cạo sạch vỏ, rửa kỹ rồi băm nhỏ.
-
Mẻ: Nghiền cùng một chút nước lọc, sau đó lọc qua rây để loại bỏ phần bã giữ lại nước mẻ.
-
Cá chép: Rửa sạch, sơ chế kỹ lưỡng để đảm bảo không còn mùi tanh.
💡 3 Mẹo sơ chế cá chép khử mùi tanh hiệu quả:
|
Bước 2: Nấu nước dùng
Đun sôi 2 lít nước rồi cho xương ống heo vào hầm để lấy nước dùng. Trong khoảng 15 phút đầu, chú ý vớt bọt thường xuyên để nước lẩu không bị đục. Sau đó nêm thêm 1/2 muỗng cà phê muối, 1 muỗng cà phê bột ngọt, 1 muỗng cà phê đường vào nồi. Giảm lửa và tiếp tục hầm xương trong khoảng 2 tiếng để nước dùng thêm đậm đà và ngọt thanh tự nhiên.
Bước 3: Tiến hành nấu lẩu
-
Đặt một nồi khác lên bếp, phi thơm hành và tỏi với một ít dầu ăn, hành tỏi chuyển màu vàng cánh gián thì tiếp tục cho cà chua, dứa, cá chép vào nồi, đảo nhẹ để cá săn lại.
-
Khi cá đã thấm gia vị, đổ nước mẻ đã chuẩn bị vào nồi (nếu không có mẻ, bạn có thể thay thế bằng chanh để tạo độ chua)
-
Đun nồi nước mẻ cho dậy mùi chua nhẹ và thấy cá đã thơm, bạn cho phần nước dùng xương ống đã chuẩn bị ở bước 2 vào. Thêm 2 muỗng canh nước mắm, gừng, tiêu, 2 muỗng cà phê đường, 2 muỗng cà phê bột ngọt và ớt thái lát vào nồi, khuấy đều để gia vị hòa quyện.
-
Cuối cùng, hạ nhỏ lửa khi thấy nước sôi, nêm nếm lại cho vừa miệng và cho rau thì là vào khuấy nhẹ trước khi tắt bếp.
Các bước chế biến lẩu cá chép (Nguồn: Sưu tầm)
Bước 4: Thành phẩm
Hãy chuẩn bị bếp điện hoặc bếp gas mini để giữ nóng nồi lẩu trong xuyên suốt quá trình thưởng thức. Đồng thời, khi nước sôi, nhúng rau vào để món ăn thêm phần tươi ngon hơn. Lẩu cá chép rất hợp với đa dạng các loại rau khác nhau như bắp chuối, rau cần, bạc hà, cải cúc,... hoặc các loại nấm tùy sở thích của gia đình.
Đừng quên dọn kèm một chén nước mắm nguyên chất với vài lát ớt để chấm cùng cá và rau, làm nổi bật hương vị đặc trưng của món lẩu. Lẩu cá chép thơm lừng chắc chắn sẽ là sự kết hợp hoàn hảo cho bữa ăn ấm cúng cùng gia đình.
>> Xem thêm:
Đổi vị với lẩu cá chép thơm ngon (Nguồn: Sưu tầm)
Cách nấu lẩu cá mú măng chua
Cá mú là loại hải sản có thịt trắng, dai ngọt, giàu dinh dưỡng và rất lý tưởng cho những bữa ăn cuối tuần ấm cúng cùng gia đình, bạn bè. Món lẩu này có thể chế biến theo nhiều cách. Sau đây là một trong những cách đơn giản nhất mà bạn có thể tham khảo để chiêu đãi mọi người.
Nguyên liệu nấu lẩu cá mú
-
Cá bống mú: 1.5 kg
-
Măng chua: 200 gr
-
Nấm rơm: 50 gr
-
Thơm (dứa): 1/4 trái
-
Cà chua: 2 trái
-
Đậu bắp: 100 gr
-
Hành tím: 1 củ
-
Tỏi: 1 tép
-
Giấm gạo: 1 muỗng cà phê
-
Dầu màu điều: 2 muỗng canh
-
Ớt hiểm: 2 trái
-
Hành lá, ngò
-
Bún tươi
-
Một số gia vị cơ bản như đường, hạt nêm, muối,..
-
Nước vo gạo
💡 Mẹo chọn những nguyên liệu chính:
|
Các bước chế biến
Bước 1: Sơ chế cá mú và các nguyên liệu khác
-
Cá mú mua về làm sạch, rửa lại nhiều lần đến khi không còn nhớt rồi chặt thành từng khúc dài khoảng 1 đốt ngón tay. Khía nhẹ 2 bên thân cá cho dễ thấm gia vị rồi ướp với 1 muỗng cà phê hạt nêm, 1/2 muỗng cà phê muối, 1/2 muỗng cà bột ngọt và để nghỉ trong 20 phút.
-
Măng: Gọt vỏ và bỏ phần già, sau đó cắt thành những lát mỏng. Ngâm măng trong nước muối pha loãng khoảng 2 giờ rồi rửa lại với nước lạnh, để ráo.
-
Cà chua rửa sạch, một trái bỏ hạt và cắt nhỏ như hạt lựu, trái còn lại cắt thành múi cau.
-
Gọt vỏ thơm, rửa sạch, bỏ cùi, sau đó cắt nửa miếng thành lát mỏng, nửa còn lại cắt thành hình hạt lựu.
-
Hành tím và tỏi hãy lột vỏ và băm nhuyễn, cắt bỏ rễ hành lá, ngò sau đó rửa sạch và cắt nhỏ.
-
Nấm rơm cắt bỏ chân, rửa sạch, ngâm trong nước vo gạo có thêm chút muối để nấm sạch hơn rồi rửa lại bằng nước. Không cắt đôi nấm để giữ nguyên phần nước ngọt bên trong.
-
Đập dập 2 trái ớt hiểm.
Bước 2: Xào các nguyên liệu
-
Đặt nồi lên bếp, cho 2 muỗng canh dầu màu điều và thêm hành tím, tỏi đã băm nhỏ vào phi với lửa nhỏ đến khi dậy mùi thơm.
-
Cho thơm và cà chua cắt hạt lựu vào xào chung rồi nêm thêm 1 muỗng cà phê đường.
-
Xào các nguyên liệu trong khoảng 1 phút, sau đó cho măng chua vào xào cùng. Nêm thêm 1/2 muỗng cà phê hạt nêm, 1/4 muỗng cà phê bột ngọt, tiếp tục xào hỗn hợp thêm 1 phút rồi cho vào 1/2 muỗng cà phê ớt bột Hàn Quốc để nước lẩu có màu sắc hấp dẫn.
Công thức chế biến lẩu cá mú măng chua thơm ngon bổ dưỡng (Nguồn: Sưu tầm)
Bước 3: Nấu lẩu
-
Sau khi cho khoảng 1-1,5 lít nước sạch vào nồi đợi sôi, cho thêm 4 muỗng cà phê đường, 3 muỗng cà phê hạt nêm, 1/2 muỗng cà phê muối, 1 muỗng cà phê bột ngọt và khuấy đều để gia vị hoà quyện.
-
Cho cà chua, thơm đã cắt lát cùng 2 trái ớt hiểm và nấm vào nồi. Đun nồi lẩu đến khi nước sôi mạnh, thêm 1 muỗng canh giấm gạo vào và khuấy đều.
-
Cuối cùng, cho hành lá và ngò đã cắt nhỏ vào, đun thêm một chút rồi tắt bếp.
Bước 4: Thành phẩm
Chỉ cần cho thêm phần cá đã chế biến cùng rau và bún là món lẩu cá mú măng chua đã sẵn sàng để thưởng thức.
>> Tìm hiểu thêm:
Lẩu cá mú ngon ngọt, chắc thịt với măng chua lạ miệng (Nguồn: Sưu tầm)
Cách nấu lẩu cá đuối lá giang
Lẩu cá đuối lá giang là món ăn nhận được nhiều sự yêu thích của mọi người kết hợp vị chua thanh tự nhiên của lá giang và cá đuối không có xương, chỉ có phần sụn mềm nhưng có thể được chế biến thành vô số món ăn hấp dẫn.
Nguyên liệu nấu lẩu cá đuối
-
Cá đuối: 350g
-
Măng chua: 150g
-
Lá giang
-
Cà chua: 2 trái
-
Tỏi băm: 1 muỗng canh
-
Hành tím băm: 1 muỗng canh
-
Gói gia vị lẩu Thái
-
Dầu ăn, nước mắm, bột nêm,..
-
Ngò gai, ngò om.
Các bước chế biến
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
-
Rửa sạch cá đuối, chặt thành miếng nhỏ vừa ăn.
-
Ướp phần cá đã sơ chế với 1 thìa cà phê tỏi băm, 1 thìa cà phê hành tím băm, 2 trái ớt đập dập, 1 thìa canh nước mắm cùng 1 thìa cà phê bột ngọt. Để hỗn hợp trong tủ lạnh khoảng 20 phút cho cá thấm đều gia vị.
-
Trong thời gian chờ đợi, tiếp tục sơ chế phần nguyên liệu còn lại. Cà chua rửa sạch rồi cắt thành múi cau vừa ăn. Rửa sạch, thái nhỏ phần rau thơm đã chuẩn bị gồm ngò gai, ngò om. Lá giang rửa sạch, sau đó cho vào tô và dùng tay bóp nát để rau dễ dàng tiết ra chất chua khi nấu. Cuối cùng là rửa sạch măng chua với nước, vắt ráo, đem cắt thành từng khúc nhỏ vừa ăn.
Bước 2: Tiến hành nấu nước lẩu
-
Đặt chảo lên bếp, cho một ít dầu vào để làm nóng. Phi tỏi băm cùng hành tím băm cho thơm, sau đó cho cá đã ướp vào xào sơ để cá săn lại và khử được mùi tanh hiệu quả rồi tắt bếp, đổ cá ra đĩa riêng. Tiếp tục sử dụng chảo còn nóng, phi thơm phần hành tím và tỏi băm còn lại. Cho thêm khoảng 1.5 lít nước, cà chua, 1 gói hạt nêm gia vị lẩu thái và đun sôi trên lửa lớn. Thêm măng chua và lá giang đã chuẩn bị vào.
-
Khi nước lẩu bắt đầu sôi, cho cá đuối vào, nấu thêm khoảng 7 đến 10 phút cho cá mềm rồi tắt bếp, rắc ngò om và ngò gai lên trên.
💡 Tips nhỏ để nước lẩu ngon hơn:
|
Bước 3: Thành phẩm
Tắt bếp hoặc tiếp tục đun sôi nồi lẩu trên bếp mini để giữ nước lẩu luôn nóng trong quá trình thưởng thức. Dùng kèm lẩu cá đuối với bún tươi và các loại rau sống để món ăn thêm phần trọn vẹn.
>> Tham khảo thêm:
Vị chua từ lá giang và cá đuối giòn sần sật không bao giờ ngán(Nguồn: Sưu tầm)
>> Bạn cũng có thể ăn thêm sữa chua sau khi thưởng thức lẩu cá đuối lá giang để giúp cân bằng vị. Tham khảo ngay cách làm sữa chua để cập nhật thêm vào "sổ tay tráng miệng" của mình nhé!
Cách nấu lẩu cá hồi
Cá hồi không chỉ là thực phẩm giàu dinh dưỡng mà còn có thể chế biến được đa dạng món ăn, đặc biệt là lẩu cá hồi. Hãy cùng bắt tay thực hiện món lẩu này thông qua các bước thực hiện đơn giản sau đây.
Nguyên liệu nấu lẩu cá hồi
-
Đầu cá hồi: 2 cái
-
Cà chua: 3 quả
-
Ớt: 5 quả
-
Nấm hương: 30g
-
Khế chua: 2 quả
-
Dứa: 1/2 quả
-
Xương ống: 500g
-
Hành lá, thì là, tỏi, gừng băm
-
Gia vị: Sa tế, hạt nêm, nước mắm, tiêu xay,...
Các bước chế biến
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
-
Đầu cá hồi: Chà xát với muối, rửa qua rượu trắng để khử mùi tanh. Tiếp theo, chẻ cá làm đôi và ướp với các gia vị như hạt nêm, gừng, thì là để cá thấm gia vị.
-
Xương ống: Rửa sạch, bạn có thể chần sơ qua nước sôi để khử mùi và chặt thành khúc. Sau đó, luộc xương qua nước sôi, vớt ra và lọc bỏ nước bẩn. Tiếp tục đun nước thứ 2 để làm nước dùng cho lẩu.
-
Cà chua: Thái múi cau
-
Dứa: Chia làm 3 phần, sau đó thái miếng theo từng khứa.
-
Sả: Một nửa sả đập dập, thái nhỏ, nửa còn lại đập dập và để riêng ra đĩa.
Bước 2: Cách thực hiện
-
Bắc chảo lên bếp, làm nóng dầu ăn và phi thơm tỏi, sả, cà chua, nấm hương đã thái. Đảo các nguyên liệu đến khi chín tới rồi múc ra bát. Để món lẩu cá hồi thêm phần thơm ngon, bạn có thể rán sơ qua phần đầu cá.
-
Tiếp theo, trút phần sốt cà chua cùng đầu cá đã rán vàng vào nồi nước hầm xương.
-
Thêm sả đập dập, ớt băm, cà chua, khế và dứa vào đun sôi rồi nêm nếm thêm 1 thìa cà phê sa tế, 1 thìa cà phê hạt nêm và nước mắm, điều chỉnh thêm cho vừa miệng là hoàn thành.
>> Khám phá thêm: Các món ngon từ cá hồi
Lẩu cá hồi hài hòa hương vị béo ngậy chua cay(Nguồn: Sưu tầm)
Cách nấu lẩu cá lăng thơm
Lẩu cá lăng không chỉ là món ăn ngon mà còn giàu dinh dưỡng, thích hợp cho nhiều đối tượng. Để chế biến được món lẩu cá lăng ngon, bạn cần nắm vững những bước thực hiện cơ bản sau đây.
Nguyên liệu nấu lẩu cá lăng
-
Cá lăng: 600g
-
Măng chua: 400g
-
Dứa: 1/2 quả
-
Cà chua: 2 quả
-
Bún: 600g
-
Hành khô, tỏi
-
Ngò gai, rau om, ớt, gừng, sả
-
Rau muống, rau nhút, rau bìm bịp, cọng súng, kèo nèo, hoa chuối
-
Gia vị nêm nếm gồm hạt nêm, đường, muối, mắm,...
Các bước chế biến
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
-
Hành tím, tỏi bóc vỏ và đập dập, băm nguyễn
-
Gừng cạo vỏ rồi băm nhuyễn
-
Sả rửa sạch, băm nhỏ.
-
Cá lăng sau khi sơ chế sạch sẽ thì cắt khúc dày khoảng khoảng 1,5cm. Sau đó, chần cá trong nồi nước sôi có gừng băm để làm sạch nhớt và khử mùi tanh.
-
Măng chua rửa sạch nhiều lần, tước nhỏ và vắt ráo.
-
Cà chua cắt múi cau.
-
Dứa gọt sạch vỏ và bổ mắt, cắt miếng.
-
Rau ngò, rau om và các loại rau ăn lẩu nhặt sạch, rửa và để ráo nước.
-
Ớt cắt lát mỏng.
Bước 2: Nấu lẩu
-
Đặt nồi lên bếp, làm nóng dầu ăn, cho hành, tỏi, sả vào phi thơm, Sau đó, cho cá lăng vào xóc nhẹ để thịt cá săn lại. Khi thịt cá đã săn, lấy cá ra và đặt vào một đĩa riêng biệt.
-
Tiếp theo, dùng lại nồi đã chế biến cá, cho dứa, măng, cà chua vào, đảo đều rồi thêm 1 thìa cà phê muối, 1 thìa cà phê đường xào cho đến khi các nguyên liệu chín. Tiếp tục cho vào 1.5 lít nước lọc, đậy nắp lại để nước sôi.
-
Khi nước đã sôi, bạn cho gói gia vị nấu lẩu thái vào, tiếp theo cho cá lăng vào nồi nước lẩu. Đừng quên nêm nếm lại cho vừa với khẩu vị của gia đình, đun thêm khoảng 10 phút cho cá chín rồi thêm rau om, rau ngò gai và ớt để bùng vị nước lẩu.
Bước 3: Thành phẩm
Để thưởng thức món lẩu cá lăng, bạn có thể chuẩn bị 1 bếp ga mini, đặt ở giữa bàn ăn và đặt nồi lẩu lên trên. Khi nước sôi, cho các loại rau (rau nhút, bìm bịp, kèo nèo, cọng súng,..) vào nồi. Các loại rau đặc trưng này sẽ quyết định vào hương vị của món ăn, mang lại cảm giác thân thuộc, gần gũi của vùng Tây Nam Bộ - nguồn gốc ra đời của món ăn. Ăn kèm lẩu với bún hoặc mì để món lẩu thêm hoàn hảo.
>> Xem thêm:
Lẩu cá lăng mang đậm bản sắc vùng sông nước Tây Nam Bộ (Nguồn: Sưu tầm)
Cách làm lẩu cá thác lác với khổ qua
Lẩu cá thác lác khổ qua là sự kết hợp độc đáo giữa vị đắng nhẹ và vị ngọt thanh, tạo ra một món ăn vừa lạ miệng vừa hấp dẫn. Mặc dù nghe có vẻ không hợp lý nhưng khi nấu chung hai nguyên liệu lại bổ sung cho nhau rất hài hòa.
Nguyên liệu nấu lẩu cá thác lác
-
Thịt cá thác lác: 300g
-
Xương heo: 500g
-
Khổ qua: 400g
-
Nấm đùi gà: 100g
-
Nấm kim châm: 150g
-
Bún tươi
-
Hành tím, hành lá, ớt
-
Rau ăn kèm: cải cúc, mồng tơi, bầu,..
-
Gia vị thêm vào nước lẩu: dầu ăn, đường, muối, bột ngọt, tiêu,...
Các bước chế biến
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
-
Khổ qua sau khi rửa sạch, cắt đôi, bỏ ruột rồi thái lát xéo vừa ăn. Để khổ qua được giòn và giảm bớt vị đắng, bạn có thể cho vào ngăn mát tủ lạnh.
-
Xương heo rửa sạch, ngâm với nước muối khoảng 5 phút để khử mùi hôi, sau đó rửa lại và để ráo.
-
Nấm đùi gà và nấm kim châm rửa sạch, cắt bỏ phần gốc sau đó cắt thành miếng vừa ăn.
-
Hành tím lột vỏ, băm nhuyễn. Hành lá và ớt cũng rửa sạch rồi thái nhỏ.
-
Các loại rau ăn kèm như tần ô, bông bí, mồng tơi rửa sạch, cắt thành khúc vừa ăn.
Bước 2: Quết cá thác lác
-
Cho phần thịt cá thác lác và tô, thêm hành tím, hành lá, hạt nêm, muối, bột ngọt, tiêu, nước mắm, đường, dầu ăn vào và dùng tay hoặc thìa quết thật kỹ cho đến khi hỗn hợp trở nên dẻo mịn.
-
Sau khi quết xong, bạn xoa dầu ăn vào tay cho đỡ dính và vo cá thành từng viên nhỏ, tùy theo kích thước viên mà bạn mong muốn.
💡 Lưu ý: Nếu bạn chọn mua chả cá thác lác làm sẵn, bạn nên lựa chọn chả cá có màu hồng tươi và đặc biệt không bị chảy nước. Nếu thấy chả cá thác lác có dấu hiệu chuyển màu xanh hoặc xỉn màu và có mùi bất thường thì nên tránh. |
Bước 3: Nấu nước lẩu
-
Bắc một nồi nước lên bếp, cho xương heo vào và hầm trong khoảng 30 - 45 phút để nước dùng ngọt thanh.
-
Sau 45 phút, cho chả cá thác lác đã vo viên vào nồi, nấu đến khi các viên chả cá nổi lên mặt nước.
-
Tiếp theo, cho nấm đùi gà vào nồi và nêm nếm lại theo khẩu vị, nếu thấy vị đã vừa vặn thì đợi thêm 2 phút rồi tắt bếp.
Bước 4: Thành phẩm
Chỉ với vài bước đơn giản, bạn sẽ có ngay một nồi lẩu cá thác lác khổ qua thơm ngon, bổ dưỡng. Khi ăn, chỉ cần bật bếp để nước lẩu sôi trở lại, sau đó cho khổ qua, nấm kim châm và các loại rau ăn kèm vào là có thể thưởng thức ngay.
Lẩu cá thác lác khổ qua ngọt thanh, không hề đắng (Nguồn: Sưu tầm)
Cách nấu lẩu cá bớp
Cá bớp là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, đặc biệt là protein và DHA, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Món lẩu cá bớp với hương vị đậm đà sẽ là sự lựa chọn hoàn hảo cho những bữa tiệc cùng gia đình và bạn bè vào các dịp đặc biệt. Cách thực hiện món ăn này cũng vô cùng đơn giản.
Nguyên liệu nấu lẩu cá bớp
-
Cá bớp: 300g, đầu cá bớp: 200g
-
Thì là: 1 nhánh
-
Cà chua: 1 quả
-
Hành tây: 1 củ
-
Cà dĩa (cà trắng): 1 trái
-
Lá giang: 200g (hoặc thay bằng 50g me)
-
Nấm rơm: 50g
-
Tỏi băm
-
Bún tươi
-
Cải xanh con, tần ô, kèo nèo, bông súng, rau đắng, bắp chuối, rau muống cọng để ăn kèm
Các bước chế biến
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
-
Cá bớp sau khi mua về hãy đánh sạch vảy, móc mang, bỏ ruột rồi rửa sạch. Sau đó tiến hành xát muối khắp mình cá để khử mùi tanh.
-
Tiếp theo, cắt cá thành từng khúc nhỏ, lọc xương và ướp với một ít hạt nêm, tiêu cùng rau thơm để giảm bớt vị tanh cũng như tăng hương thơm cho món lẩu.
-
Đối với các loại rau ăn kèm, bạn hãy rửa sạch, để ráo nước và thái vừa ăn.
Bước 2: Tiến hành chế biến
-
Làm nóng chảo, cho dầu ăn vào rồi xào tỏi băm đến khi vàng. Sau đó, cho đầu cá bớp, hành tây và nấm rơm vào xào khoảng 3 phút.
-
Tiếp theo cho 1 lít nước cùng lá giang (hoặc me) vào nấu sôi khoảng 3 phút. Nêm 1 thìa cà phê nước mắm, 1 thìa cà phê hạt nêm, 2 thìa cà phê đường và 1 thìa cà phê sa tế.
-
Cuối cùng, cho cà dĩa (cà trắng) và thì là vào nồi lẩu, nấu với lửa lớn.
Bước 3: Thưởng thức thành phẩm
Với một nồi lẩu cá bớp nóng hổi, bạn có thể thưởng thức cùng bún tươi, rau sống và một chén nước mắm ớt mặn mặn để kích thích vị giác, khiến bữa ăn thêm phần hấp dẫn hơn.
Lẩu cá bớp với hương vị cực cuốn (Nguồn: Sưu tầm)
Mẹo chọn mua cá tươi ngon giúp món lẩu thêm hấp dẫn, chuẩn vị
Để chế biến được một món lẩu cá thơm ngon, chuẩn vị, chọn mua cá là yếu tố rất quan trọng. Dưới đây là một số mẹo giúp nhận biết cá tươi dễ dàng, nhanh chóng mà bạn có thể áp dụng:
Đối với cá còn sống:
Bạn nên lựa chọn những con có sức khỏe tốt, mắt trong, mang màu hồng, vảy sáng bóng, da không có dấu hiệu bất thường. Nếu thấy cá có biểu hiện lạ như bụng phình to, bơi yếu hoặc màu sắc nhợt nhạt thì không nên mua.
Đối với cá đông lạnh:
Nếu lựa chọn mua cá đã được làm sẵn, bạn có thể dựa vào một số dấu hiệu sau:
-
Mắt cá: Mắt của cá tươi thường sáng, trong suốt và hơi lồi. Ngược lại, mắt cá ươn sẽ có màu đục, lõm vào trong, giác mạc không còn đàn hồi, có thể xuất hiện nếp nhăn.
-
Mang cá: Mang cá tươi có màu đỏ hồng hoặc đỏ tươi, không nhớt, không có mùi hôi. Nếu mang cá có màu xỉn, nâu hoặc xuất hiện nhớt bẩn, đây là dấu hiệu của cá đã ươn.
-
Thân và bụng cá: Cá tươi có thân chắc, đàn hồi tốt khi ấn vào. Bụng cá không bị phình to mà vẫn rắn chắc. Nếu bụng cá mềm nhũn hoặc phình ra, đó là dấu hiệu của cá không còn tươi.
-
Vảy cá: Vảy của cá tươi sẽ óng ánh, dính chặt vào thân. Vảy của cá ươn thường xỉn màu, dễ bong tróc.
Yêu cầu thành phẩm khi làm lẩu cá
Món lẩu cá ngon không chỉ phụ thuộc vào nguyên liệu mà còn ở cách chế biến tinh tế, đảm bảo hương vị hài hòa và cách trình bày bắt mắt. Dưới đây là một số yêu cầu thành phẩm đảm bảo món lẩu cá chuẩn vị:
- Cá phải được thái miếng vừa ăn, nhúng đến khi chín vừa đủ để giữ được độ dai và ngọt tự nhiên.
- Các loại rau như rau muống, cải thảo, hoặc nấm nên được nhúng lẩu vừa chín tới để giữ độ giòn và hương vị tự nhiên.
- Chuẩn bị một chén nước chấm đặc biệt với chanh, ớt, tỏi và nước mắm để làm tăng vị ngon của từng miếng cá.
Bạn đã sẵn sàng cho một bữa lẩu cá thơm ngon chưa? Tuy nhiên, để đảm bảo có thể thực hiện một nồi lẩu tươi ngon, an toàn vệ sinh, việc lựa chọn nguyên liệu chế biến cũng vô cùng quan trọng. Nếu bạn đang vẫn loay hoay tìm kiếm một nguồn cung cấp thực phẩm nấu lẩu chất lượng, hãy đến với AEONESHOP.
Tại AEONESHOP, quy trình chọn lựa nguyên liệu luôn được kiểm soát nghiêm ngặt. Chúng tôi nhập khẩu những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo quy trình sản xuất đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy, quý khách khi chọn mua hàng tại AEONESHOP hoàn toàn có thể yên tâm với chất lượng sản phẩm. Hơn thế nữa, AEONESHOP còn cung cấp dịch vụ giao hàng tận nhà tiện lợi, giúp quý khách tiết kiệm thời gian mà nguyên liệu đến tay vẫn tươi ngon, đáp ứng yêu cầu của các thành viên trong gia đình.
Trên đây là những bí quyết để bạn dễ dàng chinh phục món lẩu cá ngon ngay tại nhà. Nấu lẩu tại nhà không chỉ là một cách tiết kiệm chi phí mà còn mang lại trải nghiệm ấm cúng, gắn kết các thành viên trong gia đình. AEONESHOP hy vọng bài viết trên đã giúp bạn nắm thêm nhiều cách làm lẩu cá thơm ngon, chuẩn vị.
>> Khám phá thêm các món ăn ngon trong ngày Tết cổ truyền: